: 028.3620.3398  |   : info1.strawberry@gmail.com
Tin tức
2

MỐI NGUY BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Tay chân miệng là bệnh gây nên những vết loét trong miệng, trên bàn tay, chân, thậm chí ở mông của bé. Bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn tùy sức đề kháng và khả năng phục hồi của từng người. Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, mức độ gây hại thường không đáng kể. Bệnh có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng phổ biến nhất thường vào mùa hè và mùa thu.

 

Những vết mẩn đỏ lở loét trên da sẽ khiến con cảm thấy đau nhức khó chịu

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

1/ Nguyên nhân trẻ bị bệnh tay chân miệng?

“Thủ phạm” chính gây bệnh tay chân miệng là họ hàng virut thuộc nhóm enterovirus A. Trong đó, các loại phổ biến nhất bao gồm coxsackievirus A16, A6, A10 và enterovirus 71. Đầu tiên, các virut này sẽ tấn công các mô bên trong miệng, gần amidan, và xuống đến hệ tiêu hóa. Sau đó virus này có thể lây lan vào các hạch bạch huyết lân cận (tuyến) và thông qua máu truyền khắp cơ thể.

Bệnh thường lây lan qua 2 con đường chính:

– Do bị ảnh hưởng bởi virut lan truyền qua không khí do xổ mũi hoặc hắt hơi.

– Do đụng chạm vào những vật đã nhiễm khuẩn sau đó đưa tay vào miệng.

Ngoài ra, bệnh có thể được lây truyền nếu bạn tiếp xúc với chất dịch từ mụn nước hoặc nước bọt của người bệnh. Bệnh có thể khỏi trong 1 tuần hoặc hơn tùy theo sức đề kháng của người bệnh.

2/ Dấu hiệu tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu phát bệnh ban đầu không rõ ràng, khá giống viêm da hoặc thủy đậu nên rất khó phát hiện. Các triệu chứng thông thường bao gồm như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn kèm theo những vết loét ở miệng, bóng nước trên da tay, chân. Một số trường hợp sẽ xuất hiện những đốm nhỏ như phát ban ở mặt sau của mông, đùi. Tuy nhiên, một số trẻ chỉ cảm thấy đau và sưng họng khi mới phát bệnh.

Khi thấy bé có các dấu hiệu trên, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra và chẩn bệnh kịp thời. Đặc biệt, mẹ nên đưa bé đi cấp cứu ngay nếu bé xuất hiện các triệu chứng co giật, khó thở, sốt cao liên tục, đứng ngồi không vững, tay chân run rẩy. Bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và gây nên những biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả khi bóng nước trên da bé đã khô, các biến chứng vẫn có thể xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến bé.

3/ Phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, và phương pháp điều trị chủ yếu vẫn dựa vào thuốc giảm đau, hạ sốt và bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tuy nhiên, mẹ có thể chủ động giúp con phòng bệnh bằng những cách sau:

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn

– Mang khẩu trang y tế khi đi ra ngoài hoặc đến những nơi đông người, nhất là trong mùa dịch

– Thường xuyên vệ sinh, lau chùi diệt khuẩn nhà cửa, đồ chơi và các vật dụng trong gia đình.

4/ Lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ

– Tăng cường bổ sung vitamin và các khoáng chất để giúp bé tăng sức đề kháng. Ưu tiên cho bé ăn những món ăn mềm, min, mát nhằm mang lại cho con cảm giác dễ chịu khi ăn.

– Thường xuyên cho bé súc miệng bằng dung dịch nước muối.

– Giữ vệ sinh cá nhân cho bé, tắm cho con mỗi ngày bằng nước ấm và lau lại nhẹ nhàng bằng khăn sạch. Cố gắng không làm trầy xước hoặc vỡ các bóng nước trên da của bé.

– Cho bé ở trong phòng thoáng mát, sạch sẽ. Đặc biệt, không cần kiêng gió và ánh sáng.

– Vệ sinh nhà cửa và đồ chơi, đồ dùng hằng ngày của bé.

– Nên cho bé nghỉ học khi bệnh để tránh bệnh lan rộng hơn.

– Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên cắt ngắn móng tay hoặc cho bé đeo bao tay để tránh bé ngã làm trầy da chảy máu.

Nguồn: Marry Baby.