: 028.3620.3398  |   : info1.strawberry@gmail.com
Tin tức
6

CÙNG CON VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI

Từ 1 tuổi trở đi, trẻ bắt khám phá thế giới xung quanh. Khả năng tưởng tượng phát triển nhanh và phong phú. Nỗi sợ hãi từ đó cũng được nhân lên muôn màu muôn vẻ. Dưới đây là những nỗi sợ mà con bạn thường gặp phải và cách khắc phục:

 

Bé sợ bác sĩ

Sức đề kháng của trẻ nhỏ thường yếu nên các mẹ phải đưa con đi gặp bác sĩ như ăn cơm bữa cũng là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, bé chẳng thể nào “quen” được. Cảnh tượng bé co rúm người lại, la khóc bám chặt lấy mẹ không còn lạ lẫm. Đơn giản vì bé sợ đau, sợ vị đắng ngét của những viên thuốc.

Làm gì để giúp con?

Chơi trò bác sĩ khám bệnh. Bằng cách sắm cho bé bộ đồ bác sĩ, ống nghe, cặp nhiệt độ… Để bé đóng vai bác sĩ khám bệnh cho mẹ. Hoặc hướng dẫn để bé chơi trò chơi này cùng các bạn của mình. Với cách này, bé sẽ thấy thân quen hơn với hình ảnh bác sĩ.

Đối mặt với nỗi sợ hãi. Nên giải thích nhẹ nhàng với bé rằng việc gặp bác sĩ hay khám bệnh là cần thiết, giúp bé không bị mệt, bị đau nữa. Có thể mô tả một cách đơn giản quá trình khám bệnh để bé nắm được “tình hình” và trả lời các câu hỏi của bé về việc này để tâm lý bé được ổn định, không hoảng hốt.

Khích lệ, động viên. Trẻ rất thích ai đó khen mình đã trưởng thành. Vậy mẹ không nên “tiếc lời” khen con, chẳng hạn “con trai của mẹ đã lớn thật rồi, con rất can đảm không sợ điều gì đúng không? Con sẽ chứng minh cho mẹ thấy điều đó khi gặp bác sĩ chứ!…” – bé sẽ không ngại ngần chứng tỏ bản thân mình.

Mẹ cũng đừng quên có phần thưởng nho nhỏ cho bé khi con dần vượt qua nỗi sợ hãi này nhé.

 

Bé sợ đi học

Hẳn các mẹ từng trải qua hoặc cũng từng chứng kiến cảnh bé gào khóc mỗi sáng đi nhà trẻ. Bé sợ bị bỏ rơi, sợ môi trường mới, sợ tiếp xúc với các bạn mới… Có vô vàn điều khiến bé phải sợ chết khiếp!

Làm gì để giúp con?

Lịch sinh hoạt, giờ giấc ăn, ngủ, nghỉ ở nhà giống với trường để bé quen nếp, tránh tình trạng bị xáo trộn đột khi tiếp xúc với môi trường mới.

Thường xuyên trò truyện và hướng con nghĩ tới những điều thú vị ở trường như: có nhiều bạn chơi cùng, có nhiều trò chơi, cô giáo hát và kể truyện hay như thế nào…

Nếu bé có biểu hiện sợ bạn bè xung quanh hãy liên lạc với cô giáo để biết thêm về những thay đổi của bé ở trường, kịp thời có những biện pháp can thiệp.

Với những bé lớn hơn thường sợ tới trường vì bài vở. Bạn nên quan tâm tới phương pháp học của trẻ. Hãy cùng con học bài, khuyến khích động viên trẻ khi con trả lời đúng. Học hành tiến bộ trẻ sẽ không còn sợ tới trường nữa.

 

Bé sợ côn trùng

Các bé nhỏ nhà bạn sợ côn trùng ư? Hầu hết người lớn đều coi côn trùng là những con vật đáng ghét. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi em bé nhà bạn bị ám ảnh bởi chúng. Nếu bạn cố gắng giữ bình tĩnh, không tỏ ra kinh hãi trước một số con côn trùng thì bé cũng sẽ học được sự bình tĩnh từ cha mẹ.
Cũng có em bé sợ côn trùng bởi những lời mẹ hăm dọa. Bé không ăn mẹ dọa sẽ bảo gián xuống cắn chân. Bé không ngủ mẹ bảo chuột xuống ngủ cùng. Kết cục bé xem chuột, gián như thứ đáng sợ nhất trên đời. Với bé, loài côn trùng nào cũng đầy đe dọa.

Làm gì để giúp con?

Khuyến khích bé khám phá thiên nhiên là cách dạy con hữu ích nhưng trong trường hợp này, điều bạn cần làm hơn cả là biết chờ đợi. Ba mẹ nên hiểu cho nỗi sợ của con và tìm cách giúp bé thấy thoải mái. Có thể trấn an bé: "Mẹ biết là con sợ côn trùng", tránh cố nói nhiều về nỗi sợ của con bạn và cũng không ép bé phải đối mặt với một con ong hay một con ruồi. Bé còn quá nhỏ để hiểu có thứ nào là vô hại, thứ nào gây hại và phản ứng tự nhiên của bé là sợ hãi trước nhiều thứ.

Cố ép bé phải nhìn hay chạm vào côn trùng chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi trong bé và chuyển nỗi sợ hãi thành ám ảnh. Phần lớn các bé sẽ tự vượt qua nỗi sợ này và trở nên thoải mái hơn trước những con côn trùng, con bọ trong thiên nhiên khi bé lên 4 tuổi.

Nếu có con gì bay gần chỗ bé làm bé sợ, bạn nên nhanh chóng mở cửa sổ và giúp bé đuổi côn trùng ra ngoài. Sau đó, tạo một trò chơi cho bé để giúp bé trấn tĩnh lại.

Ngoài ra, bạn có thể đọc các câu chuyện dễ thương cho bé về côn trùng hoặc xem một số phim hoạt hình kể về con kiến, con ong... tốt bụng. Hoặc bạn mua một số mẫu côn trùng nhựa hay bắt các mẫu thật (con kiến...) rồi bỏ chúng vào hộp nhựa. Như thế, bé sẽ được nhìn gần hơn các loài sâu bọ mà không hề sợ hãi chúng.

Khen ngợi khi bé tỏ ra bình tĩnh trước côn trùng và đánh lạc hướng nếu bé bắt đầu tỏ ra run sợ. Công việc này đòi hỏi thời gian nhưng hầu hết các bé sẽ vượt được qua nỗi sợ thái quá về côn trùng trong thời gian tới. Thậm chí nhiều bé còn bị thu hút bởi những con côn trùng.

 

Bé sợ ma

Trí tưởng tượng của trẻ con rất phong phú, đa dạng. Hình ảnh mụ phù thủy, ma quỷ… từ trong truyện cổ tích hay phim hoạt hình có thể bước ra ngoài đời thật bất cứ khi nào. Nhất là khi bé ở một mình vào buổi tối. Con ma không đầu luôn chầu trực đâu đó trong từng góc phòng, sẵn sàng nhảy bổ ra ăn thịt trẻ con – trong khi bé biết mình không đủ sức mạnh để chống lại. Vì vậy mẹ dễ dàng nhận thấy bé khăng khăng không chịu ngủ một mình, trong giấc ngủ thường gặp ác mộng. Điều này không chỉ các bé 3-4 tuổi, bước sang tuổi teen, trẻ còn ám ảnh bởi con ma không có thực này.

 Làm gì để giúp con?

Không nên tiêm nhiễm vào đầu óc non nớt của bé những lời dọa nạt như: “con không ăn ngoan là mẹ gọi ông kẹ lại bắt con đó”, “mau ngủ đi không là con ma nó xuất hiện bây giờ”… Với lời dọa nạt như vậy mẹ muốn con ngoan ngoãn nghe lời. Vô hình chung hình tượng ma quỷ trở thành nỗi ám ảnh từ bữa ăn tới giấc ngủ của trẻ.

Tới giờ ngủ nếu bé cứ chui tọt vào phòng của ba mẹ, không chịu ngủ một mình vì sợ con ma xuất hiện. Đầu tiên mẹ cần đảm bảo mở đèn ngủ để có lượng ánh sáng cần thiết trong phòng bé. Bé sẽ yên tâm hơn khi không phải chống chọi với không gian tối tăm đầy ma mị.

Nên dắt con đi kiểm tra từng ngóc ngách mà bé cho rằng có con ma đang ẩn náu. Với biện pháp này bạn đã khẳng định được rằng: “Nhà mình tuyệt đối không có ma đâu con”. Bé vì vậy mà an tâm ngủ ngon lành.

Sắm cho con những người bạn gấu bông, thỏ bông, siêu nhân… để bé ôm khi ngủ. Bé sẽ cảm thấy mình không đơn độc và luôn có người bảo vệ kề bên.

Khéo léo hỏi bé xem con ma con “thấy” nó như thế nào? Bạn giúp con phác họa ra giấy, sau đó có thể thêm cho nó một vài chiếc răng sún, một cái mũi đỏ… để con ma đáng sợ trở thành con ma vui vẻ, đáng yêu trong mắt và trí tưởng tượng của bé.

Đa số nỗi sợ hãi ở trẻ mang tính tạm thời. Lúc này bé sợ nước, lúc khác bé lại sợ ma, rồi sợ đi học… Nó sẽ qua đi theo năm tháng. Bạn chỉ cần hiểu tâm lý và tác động khéo để nỗi sợ của bé chấm dứt sớm. Hãy lắng nghe và giúp đỡ trẻ vượt qua nỗi sợ hãi hàng ngày ba mẹ nhé.

Nguồn: Sưu tầm.